CHI BỘ EL SALVADOR

Chi bộ El Salvador

 

 

Trong phần tư cuối thế kỷ 19, một người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan tên Patrick Brannon tới giúp việc vẽ họa đồ và đặt đường xe lửa đầu tiên của xứ này.

     Ông là kỹ sư công chánh giỏi mà cũng là kiến trúc sư. Gia đình theo đạo công giáo nhưng Brannon không thấy hứng thú với bất cứ chi phái nào. Ông chăm chỉ làm việc, và cũng uống rượu chăm chỉ không kém.

     Ở El Salvador ông gặp rồi thành bạn thân của một người tên Luis Van Dyke gốc Bỉ. Vì ông Van Dyke tuổi khá cao, mối liên hệ giống như tình cha con. Cả hai thương mến nhau và tình thân này đóng vai trò quan trọng trong đời Brannon.

     Một thời gian lâu sau, Brannon ra cảng Ampala của Honduras xây nhà, tạm thời ông ngụ tại khách sạn.

     Vào đêm mưa xối xả, ông đang xem sách cạnh mấy ngọn nến bỗng cửa phòng đột nhiên mở rộng ông Van Dyke hiện ra cùng với một bà mặc y phục lối xưa. Brannon hết sức ngạc nhiên vì không có cách nào để tàu ghé bến giữa cơn mưa bão như vầy Ông đứng bật dậy, hỏi làm sao họ tới được, và tại sao không cho ông hay là sẽ tới. Van Dyke mở miệng nói rồi Brannon thấy cả hai hình ảnh mờ dần như sương tan. Hốt hoảng, ông chạy xuống nhà kể lại chuyện nhưng ai nấy cười lớn, cho rằng ông đã say. Dầu vậy chuyện thật sống động với ông nên Brannon ghi lại ngày giờ. Vài tuần sau, ông được tin Van Dyke đã từ trần vào lúc thấy ông hiện ra ở Honduras. Brannon nhớ là Van Dyke góa vợ từ lâu, như thế thiếu phụ hiện ra cùng ông hẳn phải là người vợ đã qua đời khi trước.

     Chuyện gây ấn tượng mạnh quá khiến Brannon trăn trở thắc mắc luôn, bị ám ảnh và muốn tìm câu trả lời. Ông tìm khắp nơi. Vào thời đó Thông Linh Học (Spiritualism) là mốt thịnh hành ở Âu châu, Mỹ và cả El Salvador. Brannon tìm đọc hết sách nào nói về khoa này. Sau chót một cuốn huyền thuật đến tay ông. Sẵn lòng tò mò lớn lao và không có ai bên cạnh chỉ dẫn, ông mê say nghiền ngẫm rồi thực tập những điều mà huyền bí gia chân chính biết là nguy hại nhất, phải tránh với bất cứ giá nào. Một đêm cỡi ngựa trên đường về khách sạn (hồi ấy xe bò và ngựa là hai phương tiện giao thông duy nhất trong vùng), ông gặp hai người cũng đi ngựa và nói tiếng Anh. Mừng rỡ Brannon đáp lời và cả ba trò chuyện trên đường đi. Tới khách sạn, Brannon hỏi thêm phòng vì hai người đồng hành muốn trọ qua đêm. Người chủ khách sạn không nói gì nhưng nhìn ông kỳ lạ. Đêm ấy, thức giấc sau một giấc ngủ dài, Brannon thấy hai người đã gặp đứng cạnh giường. Kinh ngạc, ông hỏi sao họ vào được phòng cửa khóa. Tiếp theo là chuyện xô xát làm khách trọ ùa tới phòng ông. Sau một hồi la hét chộn rộn, ai nấy kết luận là hoặc Brannon đã quá say, hoặc bị mê sảng. Họ thấy chẳng có ai trong phòng ngoại trừ Brannon.

     Những ngày tiếp theo là giai đoạn ma ám dai dẳng. Hai người đồng hành không hề rời Brannon, ngày cũng như đêm. Chỗ nào ông đi cũng có họ theo, nói, nói, và nói. Mỗi lần gọi rượu Brannon gọi ba ly, cho mình và cho hai người, nhưng ai cũng chỉ thấy có mình Brannon. Ông bắt đầu sụt cân, yếu sức, rồi không còn đủ sức lẫn tâm trí làm việc, cũng như gần hóa điên. Dĩ nhiên bạn cùng sở nghĩ ông sắp mất trí.

     Tin là mình sắp chết, Brannon quay về New York ở với anh là James, dự tính vào chữa bệnh ở dưỡng đường của người bà con là bác sĩ. Ông kể cho anh nghe hết mọi chuyện, kể luôn cả việc hai người đồng hành vẫn theo ông lên tàu, vẫn ở cạnh không phút nào xa. James thấy em đau nhưng chưa tới nỗi điên loạn nên dặn em chớ khai với bác sĩ, sợ rằng bệnh viện sẽ giam vào nhà thương điên. James đề nghị hai người đi gặp một bà nổi tiếng và nhiều chuyện bí ẩn chung quanh gán cho bà, tên Helena Petrovna Blavatsky, có nhiều năng khiếu lạ lùng. Cả New York đang kháo nhau xôn xao về bà, và báo ngày nào cũng có đăng chuyện liên quan đến bà Blavatsky. Nhưng khi hai anh em dò hỏi địa chỉ thì được biết bà đã rời để đi London từ hôm trước.

     Đó là tin thất vọng cùng cực cho Brannon, ông nghĩ vậy là hết, ông không ngủ được, tin rằng đã tới ngày cuối đời. Ăn cũng không được, vì ăn vào thì không tiêu, trong lúc đó hai vong linh vẫn theo sát ông từng bước, nói mãi không ngừng. Một hôm chán nản đi ngoài đường, Brannon gặp người bạn từng làm việc chung ở Peru, họ mời ông về hãng, hỏi ông có thể qua London mua vật liệu rất cần cho đường xe lửa sắp đặt không ? Lúc này không ai rảnh, và cũng không ai biết rành các món cần mua bằng Brannon, ông nhận lời chứ ?

     Đề nghị này là phao cứu tử cho Brannon. Qua những điều nghe về bà Blavatsky, ông tin rằng chỉ có bà mới cứu được mình, và đây là cơ hội trời cho. Brannon nhận lời ngay rồi lập tức sửa soạn lên đường. Tới London, sau khi xong việc đã được giao phó, ông đi tìm bà Blavatsky. Nhưng gặp bà không dễ, cả London cũng bàn tán về bà như ở New York, và có quá nhiều người ghi tên muốn được nói chuyện với bà, bảng chờ dài thậm thượt. Chót hết rồi cũng tới ngày hẹn của ông, lúc tên ông được gọi thì chuyện kể rằng bà Blavatsky nói to vọng ra: Đưa chàng cowboy vào đây. Thế là ông được đối mặt với bà, trút hết chuyện nặng lòng kể từ khi Van Dyke hiện ra, không chừa việc gì. Bà Blavatsky chăm chú nghe rồi khi hết, tháo cái nhẫn trên tay đeo vào cho ông, bảo về phòng ngủ ngay. Bà nói chắc là ông sẽ không còn bị người mà ông đã triệu thỉnh phá khuấy nữa.

     Trên đường về khách sạn, Brannon mừng rỡ thấy hai người đồng hành không còn bên cạnh. Ông ngủ liền 16 tiếng, một giấc không bị phá phách từ nhiều năm qua. Hôm sau ông đem trả nhẫn và bắt đầu tình bạn sâu đậm với bà Blavatsky, người đã cứu sự sống của ông lẫn tâm trí. Ông không bao giờ gặp lại hai hồn ma nữa và từ phút đó sức khỏe khá hơn cũng như không còn đụng tới một giọt rượu.

     Brannon ở lại London sáu tháng, tới lui học hỏi với bà Blavatsky khi nào có dịp. Lúc phải trở về El Savador, trước ngày đi bà Blavatsky đưa ông một số sách MTTL cho chi bộ El Salvador, nói bà có bổn phận giúp thành lập chi bộ. Bà cũng giao cho ông hình vẽ hai Chân Sư sáng lập để chi bộ giữ. Chi tiết này lý thú vì không chắc có một chi bộ nào khác trên thế giới có hai bức chân dung đó. Mãi tới năm 1910 mới có chi bộ El Salvador, Brannon mất 32 năm mới tìm được đủ nguời muốn học MTTL để lập nên chi bộ (tối thiểu 7 người). Hiện nay chi bộ vẫn còn giữ được hai bức hình và sách do bà Blavatsky gửi. Ông Brannon không hề thành hội viên của chi bộ nói rằng lối sống khi trước của mình đã làm ông không xứng đáng với vinh dự đó.

     Bà Blavatsky cũng đưa cho ông một bức thư để mai mốt có người tới nhận. Thư ấy Brannon luôn luôn cất trong túi áo phòng khi gặp người hỏi. Nhiều năm trôi qua, không ai tới nhận thư và ông gần như quên bẵng. Ngày kia khi tới vùng quê gọi là Balsam Coast, một thổ dân da đỏ mặc quần áo nông dân tới nói: “Ông có một bức thư, xin cho tôi nhận.” Brannon gạt, bảo không có thư cho người hoàn toàn xa lạ với mình, nhưng người thổ dân kiên trì, nói H.P.Blavatsky dặn tôi đêm qua là ông giữ thư của bà viết cho tôi. Brannon nhớ lại chuyện nên đưa thư. Có hai lời ghi về cuối chuyện, một là sau đó thổ dân biến mất trong không trước mặt Brannon, hai là sau một hồi trò chuyện, người nông dân tỏ ra có học thức cao, thông thạo huyền bí học.

Trích:
The Theosophist, July 1977
(Vol 98  No. 10)